bài: Lê Xuân Trường
Tôi đã nghe nhiều những bài hát của Tóc Tiên khi cô còn ở Sàigòn. Đa số những ca khúc cô trình bầy đã được kén chọn thật hay, trình bầy rất tình cảm, tinh tế, kể cả cô trình bầy những ca khúc xưa như Tóc Mây của Phạm Thế Mỹ cho đến thậm chí những bài mới của Quốc Bảo cũng rất là thành công. Sự thành công vốn dĩ đến từ trái tim đam mê âm nhạc, và cái khiếu bẩm sinh mà Tóc Tiên sẵn có. Tiếng hát Tóc Tiên cất lên dù là nghe lần đầu thôi cũng sẽ làm người nghe nhớ mãi. Mỗi ca khúc cô trình bầy đem lại cho mỗi người nghe những rung động khác nhau. Tiếng hát đầy khát khao, mộng mơ chới với trong tình yêu buồn man mác. Tiếng hát cho người nghe cảm giác thư thái đến từ niềm tin và sự can đảm đương đầu với nghịch cảnh cuộc sống. Là hiểu được cái tôi trong sâu thẳm tâm hồn mình, biết lắng nghe tiếng nói từ trái tim và biết hy sinh cho người khác hơn là chỉ nghĩ đến bản thân. Và sau cùng là biết sống, biết tạo ra niềm vui và tận hưởng niềm vui trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.
Tóc Tiên sinh ra trong một gia đình không có dính líu gì với âm nhạc. Nhưng năng khiếu bẩm sinh Tóc Tiên đã có khả năng xử lý ca khúc tốt, nhạy cảm với âm nhạc ngoài ra cô còn có lợi thế là sở hữu một vóc dáng và thân hình gợi cảm giống người mẫu. Bên cạnh niềm đam mê âm nhạc, Cô đã từng là học sinh trường Pétrus Ky và là sinh viên của Đại học Y Khoa Sàigòn.
Năm 13 tuổi, Tóc Tiên đã gây tiếng vang khi đã bắt đầu trình diễn trước khán giả cho đến năm 16 tuổi, cô trở thành người đẹp nhất qua cuộc thi Người đẹp qua ảnh do Công ty Fujifilm tổ chức. Năm 2009, Tóc Tiên cùng gia đình sang Mỹ vì được ông nội bảo lãnh đoàn tụ với gia đình. Đến Hoa Kỳ cô vẫn luôn đeo đuổi con đường học vấn và theo học tại trường Pasadena City College nhưng niềm đam mê âm nhạc vẫn còn hừng hực trong cô, vì ở một xứ sở tự do như Hoa Kỳ, có lẽ sự phát triển về âm nhạc sẽ cho cô nhiều cơ hội để phát huy tài năng, và đem tiếng hát của mình góp phần cho văn nghệ tại hải ngoại thêm mầu thêm sắc. Tôi hiểu được điều ấy trong cô và đã gợi ý với giám đốc của Thúy Nga – Paris By Night cho cô có cơ hội đạt được giấc mơ, bên cạnh việc học cho tương lai, và phụ giúp gia đình cô trong những ngày tháng đầu nơi xứ người.
Paris By Night 96 – Chương trình có chủ đề là Nhạc yêu cầu 2 trực tiếp thu hình vào ngày 18 và 19 tháng 4 năm 2009 tại Nhà hát Charles M. Schulz trong khu giải trí Knott’s Berry Farm, Buena Park, Nam California; Tóc Tiên đã hớp hồn quý khán giả với ca khúc Tóc Mây của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Ngay giây phút giới thiệu cô với Thúy Nga, tôi cũng đã yêu cầu cho cô được hát Tóc Mây. Có thể nói, Tóc Mây là ca khúc đóng chốt tên tuổi của Tóc Tiên từ đó, và sự thành công của ca khúc này đã là sự khởi nguồn cho những sinh hoạt văn nghệ tràn trề cho những ngày tháng sắp tới với cô trên một sân khấu tráng lệ, huy hoàng, tương lai đầy rực rỡ.
Những lần trình diễn sau này Tóc Tiên thể hiện những ca khúc trẻ, sôi động và đầy sức sống cũng không làm sao bằng được một hình ảnh dễ thương của người con gái Việt Nam với Tóc Mây lúc ban đầu. Sân khấu của Thúy Nga thì lúc nào cũng đẹp, đầy mầu sắc và Hi-Tech, tiết mục được dàn dựng công phu, hấp dẫn…Nhưng nếu những bài hát đã không được tận tường chọn lọc. Nếu chỉ nghĩ những tiếng hát trẻ sau này chỉ cần có ” sắc ” nhiều hơn là ” thanh ” thì vẫn chưa đạt được chất lượng nghệ thuật đúng nghĩa của nó. Gần đây nhạc sĩ Dương Thụ, một nhạc sĩ có tiếng ở Việt Nam đã nói :” Tôi nghĩ rằng, cái gì có ở trên đời cũng đúng cả vì nếu không thì không thể tồn tại được. Nhưng chúng ta phải hiểu và phân biệt được giá trị. Âm nhạc sinh ra để nghe chứ không phải để xem. Bây giờ người ta đang biến âm nhạc trở thành “kép phụ” của nghệ thuật. Thời trang, múa… cái gì cũng dùng nhạc, nhưng là để tôn những cái khác lên chứ không phải âm nhạc. “
Những tiếng hát có chất giọng đẹp, nếu không lựa đúng bài hát, và không trau chuốt mỗi lần trình diễn thì chỉ một sớm một chiều sẽ sớm phôi phai, nhan sắc rồi cũng sẽ phai tàn và dấu ấn ban đầu dù đậm nét đến đâu cũng sẽ mờ nhạt trong tim người yêu nhạc.
Tôi vẫn yêu mãi hình ảnh của người con gái Việt Nam với “Tóc Mây” ngày ấy.
“Như chiếc nôi êm ru cơn mộng lành
Gọi vầng trăng cũ sáng cho hồn vui” (Tóc Mây – Phạm Thế Mỹ)