Ca khúc “Hỏi Thế Có Buồn Không” của nhạc sĩ Lê Xuân Trường là một bạch thư của người nhạc sĩ sáng tác, đồng hành với trang nhật ký tị nạn đời tỵ nạn từ 40 năm qua mà nhạc sĩ đã dành cho ca sĩ NgaMy (ảnh bên) vang lên tiếng hát Hành Trình Tự Do .
Ảnh dưới nhạc sĩ Lê Xuân Trường
Nhạc Sĩ Lê Xuân Trường và những tâm sự cho chương trình đánh dấu 40 năm ly hương “Hành Trình Tự Do”
Ca khúc “Hỏi Thế Có Buồn Không”
Dòng nhạc đầu tiên đến với đời tôi 37 năm trước đây, như điềm báo trước cho số phận của một cuộc đời. Cho đến bây giờ, tôi vẫn tưởng như mới đâu đây, tưởng chừng như ngày hôm qua…
“Tình yêu cho phép những ca khúc ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc. Âm nhạc như thế là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa một cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc. Không có bất hạnh và nụ cười có lẽ âm nhạc cũng không thể có duyên ra đời.”
Ca khúc “Hỏi Thế Có Buồn Không” (*) đầu tiên đến với đời tôi 37 năm trước đây, lang thang lăn lóc cưu mang thân phận tha hương tại trại tị nạn Ga Lang như điềm báo trước cho số phận của một cuộc đời. Cho đến bây giờ, tôi vẫn tưởng như mới đâu đây, tưởng chừng như ngày hôm qua…
Sao tim bỗng nghe nhói đau,
Việt Nam chưa qua
Ngày dài xót xa, dòng lệ vẫn rơi, nụ cười hắt hiu, tình người cách xa
Cha tôi chết không áo quan, ở chốn thâm sâu
Mẹ thì mất con, người thì đã theo biển vào đáy sâu, chẳng còn thấy nhau
Quê hương đã sinh lớn tôi
Hạnh phúc hôm nay
Trẻ nhỏ cách xa học đường đã lâu, tìm vội miếng cơm, học lừa dối nhau
Hỏi thế có buồn không?
Trong khoảng bốn thập niên qua, thoáng như một giấc mộng du.
Một quãng thời gian hơn một phần tư thế kỷ tôi chỉ biết ghi lại những cảm xúc của mình qua thơ văn, âm nhạc…để giữ lại khoảnh khắc của những rung động trong đời. Vì sau này, dù cho mình sẽ không còn hiện hữu nơi đây, thì tác phẩm của mình vẫn còn đó, giữa trần gian này, khi sự sống trên trái đất còn hiện hữu… Sau những thiên cơ xẩy ra ở khắp mọi nơi, tuổi càng ngày càng lớn, tôi thấy cuộc đời rất hư vô. Trong tích tắc, tất cả có thể trở thành cát bụi. Có tranh chấp, oán hờn, đua ghen thì cũng thế. Điều tốt nhất là ngày nào còn cho nhau nụ cười, cho nhau sự chia sẻ là quý ngày đó. Tôi đã trải qua biết bao nhiêu nhẫn nhục, phấn đấu, học hỏi, nuôi dưỡng trái tim mình, bằng những sáng tác đã viết lên, và đó cũng là hạnh phúc đích thực của chính tôi. Tôi đã thật sự diễm phúc, khi gởi gấm được niềm hạnh phúc hay nỗi bất hạnh của mình vào trong âm nhạc, và được chia sẻ tâm sự của mình đến với tất cả mọi người.
Năm 1995 – Tôi thực hiện album “Mưa Trên Vùng Tóc Rối” gồm những bản tình ca của tôi được thể hiện với tiếng hát của Tuấn Ngọc và Thanh Hà. Album đầu tiên này kể từ đó tôi đã vẫn chưa thực hiện một album nào khác vì lẽ tất cả những bài hát của tôi đã được xuất bản trên CD hay DVD của Thúy Nga rồi, nghĩ thế, tôi chả bao giờ thực hiện CD riêng cho mình nữa. Gần đây, có nhiều thúc đẩy, phần nhiều từ các nhạc sĩ đàn anh như Tuấn Khanh, Lam Phương…cứ nói, đứa con tinh thần mình tạo ra lúc nào cũng là đứa con nhiều tình cảm tích lũy, nhiều khổ đau đong đầy… các fans của tôi từ bao năm nay cũng chờ mong, thăm hỏi nên có lẽ sắp tới tôi sẽ thực hiện album thứ hai của mình. Thật sự thực hiện CD bây giờ chỉ cho vui, đánh dấu một kỷ niệm của dấu mốc thời gian trong sự nghiệp, chứ thật ra làm cực và tốn kém, sau đó, bị copy từ internet và truyền tay nhau miễn phí, cũng chả khác nào bị ăn cắp tư tưởng và cả vật chất nữa.
Tôi là người sáng tác ca khúc, viết nhạc và lời. Tôi cũng là người mê sưu tầm nhạc ngoại quốc, và nghe nhạc ngoại quốc đã cho tôi nhiều ý tưởng mà theo như văn hóa Việt Nam vẫn còn rất nhiều eo hẹp tư tưởng để biến ca khúc trở thành nhiều nét đa dạng. Cộng tác với Thúy Nga từ năm 1995 cho đến nay, ngoài những sáng tác nhạc và lời riêng của tôi; Tôi đã viết rất nhiều lời Việt cho những ca khúc ngoại quốc. Tôi không nhớ chắc chắn là sáng tác được bao nhiêu bài, nhưng tôi viết nhiều lắm. Tôi viết lời rất dễ, mà ý tưởng không bao giờ bị trùng lập, đó cũng là một cái duyên trời cho. Tôi yêu những ngôn từ cho nên khi viết lời nhạc, tôi hay dùng những từ ngữ tự sáng chế cho riêng mình (signature) để tạo ra một dấu ấn riêng. Có những bài thật khó mà khi hát tiếng ngoại quốc thì rất dễ mà khi viết lời Việt thì rất khó vì tiếng việt có dấu và có những âm sắc khác nhau nếu viết không khéo, chữ sẽ bị vặn vẹo qua một nghĩa khác, và phát âm sẽ bị ngượng ngịu. Có thể điển hình là bài “The House Of Rising Sun” của ban nhạc Animal, với tựa đề “Ngôi Nhà Trong Ánh Bình Minh” do ca sĩ Ngọc Ánh trình bầy trong DVD số 53 của Thúy Nga với chủ đề Thiên Đường Là Đây, hay là bài “Je Suis Malade” lời Việt là “Không Cần Nói” mà Angéla Trâm Anh trình bầy trong DVD số 82 (nghe trên www.NVnorthwest.com), và còn nhiều bài nữa.
Sắp tới sẽ có 2 tác phẩm – một là album gồm những bài tình ca nhạc và lời của tôi, trình bầy bởi tiếng hát của Nguyệt Anh. Hai là album của Khánh Hà. Suốt gần 2 năm thực hiện cũng đã coi như gần xong – Album gồm những bản tình ca nổi tiếng thế giới với lời Việt do tôi viết riêng cho Khánh Hà và album này có thể ra mắt quý thính giả yêu tiếng hát Khánh Hà vào dịp cuối năm nay. Có thể nói tổng quát là album này tôi vừa ý nhất trong quãng thời gian sáng tác. Phần hòa âm, cho đến lời, và tiếng hát của Khánh Hà thật đậm đà, nồng nàn với cách phát âm rất rõ ràng và chính xác mà 40 năm qua, Khánh Hà đã hội đủ những yếu tố như vậy để trở thành một trong những giọng ca được mến chuộng nhất. Album này là “Nhạc Tình Muôn Thuở” tiếp nối với loạt series mà trước đây Khánh Hà Production đã thực hiện mà giới yêu nhạc ai cũng phải sưu tầm đầy đủ cho tủ nhạc của riêng mình.
Ý nghĩa đơn thuần nhất trong nghệ thuật, thường khởi nguồn từ một niềm trân trọng và nâng niu trong tư tưởng của mỗi cá nhân đối với chính linh hồn và con tim mình. Những người yêu dòng nhạc của mình, họ cho những ca khúc là niềm hạnh phúc đón nhận từ tác phẩm những chấn động tâm linh thật sâu đậm, những thoát thai của tư tưởng về các biên giới chưa từng, những đỉnh cao hay vực sâu của ý thức.
Còn người sáng tác ra những ca khúc ấy, hạnh phúc là ký thác vào tác phẩm của mình những đầy vơi của cội nguồn rung cảm, những đáy huyệt của mặc niệm tư duy, những cơn bão cuồng điên cuối chân trời khát vọng. Tôi yêu và sống chết với nghệ thuật, không thể thiếu; tôi thường ví có thể nào trẻ thơ sống bên ngoài lòng mẹ?
Cám ơn âm nhạc, văn chương và những thứ chung quanh đời sống này đã cho tôi cảm xúc tràn ắp khi viết lại chính những gì đang rất yếu mềm nơi khúc tâm hồn tôi đây. Tôi nghiêng mình trước những điều thuộc về cõi tâm hồn và trái tim của người nghệ-sĩ, biết yêu thương và yêu thương nhiều như tháng cùng năm của tất cả loài người!
(*) Ghi chú: Ca khúc “Hỏi Thế Có Buồn Không” được trình bày trong một số chương trình “Tưởng Niệm 40 năm ly hương từ miền Đông sang miền Tây HK qua tiếng hát Nga My. Bài hát này được nhà văn Nguyễn Đình Toàn đánh giá là ca khúc thiết tha hàng đầu, cùng với “Một Lần Miên Viễn Xót Xa” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Thành…
Lê Xuân Trường