Tác giả Norea Hoeft
17 tháng 12, 2021
Không ai có thể quên được một người như Nguyễn Minh Đức vì bạn biết, chính cô ta sẽ không quên quý vị.
Nếu Minh-Đức đạt được đúng nguyện vọng của mình thì không một ai sẽ bị lãng quên.
Cô Minh-Đức là người sáng lập kiêm Giám Đốc Điều Hành của trung tâm Helping Link/Một Dấu Nối, một tổ chức phi lợi nhuận đã và đang đáp ứng nhu cầu của cộng đồng người Việt tại Seattle, Washington từ năm 1993. Tài lực của Helping Link/Một Dấu Nối và chương trình giáo dục, bắt nguồn sâu xa từ các giá trị văn hóa của gia đình, tánh tự lực và lòng kiên trì đã là một đóng góp lớn cho sự phát triển lớn mạnh của cộng đồng Việt Nam. Trong tinh thần đó, cộng đồng đã đóng góp cho nền kinh tế vững mạnh và nền văn hóa đa dạng mà Seattle được biết đến như ngày nay.
Từ Cộng Đồng đóng góp cho Cộng Đồng
Helping Link/Một Dấu Nối đã bước sang năm thứ 28, là mô hình giúp cho cộng đồng có thể cùng nhau hợp tác để vươn lên. Bà Carrie George Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị nói rằng “Sứ mệnh của chúng tôi là hướng dẫn sự thích nghi với xã hội Hoa Kỳ cho người Mỹ gốc Việt, ổn định gia đình và sức tự lập, đồng thời cung cấp các dịch vụ cộng đồng và đào tạo giới lãnh đạo trẻ”
“Chúng tôi làm việc với khoảng 40 đến 50 tình nguyện viên mỗi năm và họ làm 6,000 đến 7,000 giờ [tình nguyện] mỗi năm cho chúng tôi, đó là điều thật phi thường,” Minh-Đức nói. “Hầu hết những tình nguyện viên này là sinh viên và các chuyên gia đang làm việc. Chúng tôi yêu cầu cam kết làm bốn giờ mỗi tuần, nhưng đa số họ đều làm nhiều hơn. Nếu không có sự tiếp tay của các thiện nguyện viên thì không cách nào chúng tôi có thể làm được những gì mình cần làm. Họ thật sự là trái tim và linh hồn của trung tâm chúng tôi ”.
Các lớp học đều miễn phí và những người đến học được khá nhiều đề tài và những gì có thể giúp họ thích nghi với cuộc sống ở Hoa Kỳ: làm thế nào để sử dụng tiếng Anh, học bài thi Quốc Tịch Hoa Kỳ, cách sử dụng iPad, cách sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Qua nhiều năm, các sinh hoạt của Helping Link/Một Dấu Nối cũng đã mở rộng để bao gồm văn hóa địa phương và lớp học tiếng Việt nhằm duy trì thế hệ cho con cháu sau này của những người Việt nhập cư.
Chuyến về thăm nhà của một người tị nạn
Helping Link/Một Dấu Nối cũng cho thấy rằng sự chia sẻ cũng như kinh nghiệm thực tế của những người đi trước có thể giúp ích một cách trực tiếp và hữu hiệu cho cộng đồng của họ.
Minh-Đức giải thích: cô bắt đầu thành lập tổ chức vì cô hồi tưởng về cảm giác khi là một người tị nạn. Năm 1975, khi Minh Đức mới ở tuổi thiếu niên, gia đình cô đã thoát khỏi Việt Nam đến Hoa Kỳ ngay trước khi Sài Gòn thất thủ. Bố cô đã từng là một sĩ quan trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Minh-Đức nói: “Cũng may mắn Bố tôi cùng gia đình nhờ có cơ hội dời Việt Nam trong những giây phút cuối cùng trước khi đoàn quân cộng sản tiến vào thủ đô. Tất cả những sĩ quan của quân đội miền Nam sau đó đều bị gửi vào những trại “cải tạo” nhiều năm tùy theo cấp bậc, nơi mà đa số đều bị tra tấn và cưỡng bức lao động.
Sau vài tháng ở nhiều trại tị nạn khác nhau tại Hoa Kỳ, gia đình Minh-Đức định cư tại Redmond, Washington, “một ngày trước khi tựu trường.” Giờ đây, Minh-Đức và tất cả bốn anh chị em của cô ấy đều là cựu sinh viên Đại Học Washington, “và tất cả chúng tôi đều thành công trong các lĩnh vực của mình”. Cô cho rằng phần lớn thành công của gia đình cô là nhờ vào “nỗ lực đáng khâm phục của các vị bảo lãnh đã giúp chúng tôi thích nghi với cuộc sống mới, tiếp cận với hỗ trợ pháp lý và theo đuổi con đường học vấn cao hơn. “Tất cả chúng tôi đều rất may mắn,” cô nói.
Tuy nhiên, thành công đó đối với Minh Đức trở nên vô nghĩa khi cô và mẹ trở lại Việt Nam vào năm 1993, khi Việt Kiều có thể viếng thăm thân nhân ở Việt Nam. Minh Đức vừa tốt nghiệp cử nhân ngành xã hội học, cô tự thẹn vì sự ngây ngô của mình. “Tôi nghĩ rằng tôi biết thế nào là nghèo. Tôi tưởng rằng tôi đã hiểu những việc ấy. Nhưng từ giây phút chúng tôi đáp xuống sân bay cho đến khi rời đi hai tuần sau đó, tôi nghĩ rằng tôi đã không có một giây phút nào mà không mang nỗi buồn sâu thẳm”. Minh-Đức và mẹ cô đã trở về trong cảnh Việt Nam bị tàn phá bởi chiến tranh và nghèo đói. Số lượng những người tàn tật thật đáng kinh ngạc. “Họ ở khắp mọi nơi, những người đã mất một phần cơ thể của mình trong chiến tranh.” Và những người như Bố cô, người từng “cộng tác” với chính phủ Hoa Kỳ, đã bị ruồng bỏ. “Họ chỉ sở hữu những gì họ có trên lưng. Họ đã phải đi ăn xin. Đó là điều đau đớn tột cùng mà tôi từng chứng kiến”.
Từ tuyệt vọng đến tranh đấu
Sau chuyến đi đó, phải mất hai tháng Minh Đức mới vực dậy được bản thân khỏi cơn trầm cảm đã đeo bám cô khi cô trở về Hoa Kỳ. “Tôi cảm thấy tội lỗi vì tất cả những cơ hội và nguồn lực tôi được trao mà tôi đã không đánh giá cao. Nhưng tôi phải làm một điều gì đó.”
Cô không cần phải tìm đâu xa. Mặc dù chiến tranh đã kết thúc từ lâu, hàng ngàn người tị nạn vẫn đến Hoa Kỳ từ Việt Nam theo nhiều hiệp ước thời hậu chiến cho phép các cựu tù nhân chính trị và gia đình của họ được di cư. Ý thức được rằng Bố cô và gia đình cô có thể cũng có mặt trong nhóm này nếu như đã không được may mắn, Minh-Đức bắt đầu tổ chức để hỗ trợ những người Việt tị nạn sống ở vùng Nam Seattle.
Minh-Đức đã nói chuyện với một người bạn điều hành các hoạt động tại khu nhà ở nơi thung lũng Rainier, xin phép anh ta cho cô sử dụng văn phòng của anh ấy làm trung tâm tiếp đón. “Anh ấy nói:“ Được rồi, muốn làm gì thì làm, chỉ cần tôi không bị đuổi việc là được”, Minh-Đức nhớ lại. Và đúng như thế, Helping Link/Một Dấu Nối ra đời. Minh-Đức và hai người bạn của cô đã giúp đỡ cho những người Việt quanh đây, những người tị nạn với giấy tờ đa số bằng tiếng Anh mà họ mang theo đến sinh sống tại Hoa Kỳ, giúp họ đọc thư, thanh toán hóa đơn, mở tài khoản ngân hàng và xin trường học, nhà ở và việc làm. Nhu cầu của họ rất lớn, Minh-Đức nói: “Lúc đầu chúng tôi có ba hoặc năm người, và sau đó chúng tôi có hàng trăm người đã đến mỗi đêm.” Họ đã tìm được nhiều tình nguyện viên hơn và cung cấp nhiều dịch vụ hơn như hỗ trợ pháp lý và giúp họ tìm hệ thống chăm sóc sức khỏe.
“ Tôi thường thắc mắc không biết tôi sẽ hòa mình như thế nào trong một quốc gia hoàn toàn mới về ngôn ngữ và văn hóa”, một người tình nguyện Diane Cowles đã nói. “ Tôi nghĩ tôi sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có một cơ quan như Helping Link/Một Dấu Nối để nâng đỡ tôi”.
Phương pháp tiếp cận cấp cơ sở để “Thu thập dữ liệu”
Với kiến thức về ngành xã hội học, Minh-Đức cũng biết rằng cần phải làm một cuộc tham khảo cộng đồng để tìm hiểu nhu cầu của họ.
Chúng tôi đã thấy rằng là mọi người sẵn sàng nói về những trở ngại mà họ phải đối mặt ở quê hương mới. Tiếng Anh! Họ muốn chúng tôi dạy tiếng Anh cho họ. Và tất nhiên, chúng tôi đã nói, ‘Vâng, chúng tôi có thể làm được!’ Mặc dù chúng tôi không biết làm thế nào.” Chúng tôi tìm kiếm một địa điểm để sinh hoạt và đến Thư Viện Rainier Beach. “Ít ai đến đó thường xuyên vì mọi người nghĩ đây là khu vực nguy hiểm, có băng nhóm và tội phạm cao. Nhưng bạn biết không, không ai trong chúng tôi biết về điều đó. Chúng tôi rất vui vì đã có nơi sinh hoạt. “Vào mùa Thu năm 1993, Helping Link/Một Dấu Nối đã bắt đầu khóa đầu tiên dạy Tiếng Anh, đây vẫn là dịch vụ chính cho đến ngày nay. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho không quá 20 học viên, nhưng đã có trên một trăm người có mặt tại thư viện. Sở cứu hỏa và sở cảnh sát đến, thật là hỗn loạn. Họ tưởng rằng đang có một sự việc lớn nào đó đã xảy ra”.
Nhưng sự cố duy nhất là việc Helping Link/Một Dấu Nối đã đáp ứng nhu cầu bức thiết của cộng đồng. Một lần nữa, đó là ví dụ hoàn hảo về cách những người sinh hoạt trong cộng đồng là những người được đào tạo để sắp xếp và thực hiện các chương trình một cách hiệu quả với nhu cầu thay đổi của cộng đồng. Lấy ví dụ như chương trình dạy kèm sau giờ học của Helping Link/Một Dấu Nối, Minh Đức kể rằng: “Thư viện nói, cô cần phải làm gì với đám trẻ con vì chúng chạy lung tung trong thư viện trong khi bố mẹ chúng đang học tiếng Anh,”. “Và chúng tôi đã nói, ‘Được rồi, không vấn đề gì.’ Chúng tôi phải tìm thêm người trợ giúp. Và chương trình dạy kèm của chúng tôi bắt đầu. ”
Đại dịch kép: COVID-19 và nạn phân biệt chủng tộc
Nhưng đó là trước Covid-19. “Đại dịch đã thực sự khiến các sinh hoạt của chúng tôi bị xáo trộn”, Minh-Đức, người phụ trách cơ quan Helping Link/Một Dấu Nối , mất nhiều tình nguyện viên và chuyển sang việc phục vụ qua mạng. “Tôi rất lo lắng vì nghĩ rằng chúng tôi đang bỏ lại phía sau khá nhiều người không có phương tiện truy cập internet hoặc không có thiết bị. Nhưng gần đây chúng tôi đã thực hiện việc tham khảo nhu cầu của cộng đồng và nhận được vô số ý kiến là xin hãy tiếp tục các lớp học qua mạng. Nhiều bà mẹ đã từng đến địa điểm của chúng tôi thực sự thích Zoom hơn vì trước đây, nếu họ tham gia một lớp học với chúng tôi, họ không thể sửa soạn bữa ăn tối cho đến 8:30 hoặc 9:00 tối cho gia đình. Nhưng đồng thời, những người làm việc trong ngành khách sạn và các hãng may ở Đường Số 1 và trong khu công nghiệp, họ thường đến thẳng trung tâm Helping Link/Một Dấu Nối sau giờ làm việc, điều mà họ không thể làm trong lúc này. Tôi không biết bằng cách nào chúng tôi có thể thực hiện cả [trực tiếp và qua mạng], vì đội ngũ tình nguyện viên của chúng tôi không còn nhiều như trước ”.
Và những tấn công vẫn tiếp tục tiếp diễn. Trung Tâm hiện tại của Helping Link/Một Dấu Nối ở Seattle (Khu Quốc Tế) đã bị trộm cắp ba lần trong thời kỳ bất ổn xã hội vào mùa hè 2020. “Chúng tôi bị là mục tiêu vì sự căm thù nhắm vào người châu Á,” Minh-Đức nói. “Chúng tôi đã mất tất cả thiết bị điện tử của mình. Tháng 8 và tháng 9 năm ngoái, chúng tôi đã bị phá đến ba lần. Trung tâm chúng tôi tiếp tục bị vẽ bậy. Có vô số kim chích của những người nghiện ngập trên ban công của chúng tôi. Tôi đã làm việc trong khu quốc tế 30 năm, nhưng chưa bao giờ tôi thấy thiếu an ninh như bây giờ. Trong vùng này, nhân viên cảnh sát không đáp ứng nữa.
Click here for English Version