Tác giả: Stacy Nguyễn
(Người Việt Tây Bắc được phép dịch và đăng tải lại bài đăng ngày 8 tháng 4 năm 2021 trên Northwest Asian Weekly. Đọc bản gốc Anh ngữ qua: https://nwasianweekly.com/2021/04/remembering-kim-pham-a-voice-for-washingtons-vietnamese-community/)
Lần đầu tiên tôi quen biết chú Phạm Kim qua internet vào năm 2008. Lúc ấy tôi vào khoảng 23 tuổi và bắt đầu làm biên tập viên của Tuần báo Northwest Asian Weekly, không lâu trước khi chú ấy liên lạc với tôi qua email AOL của chú. Chú viết thư cho tôi vì chú thấy tên họ của tôi là người Việt Nam. Lúc đó tôi chưa biết nhiều, nhưng chú Kim luôn có thói quen theo dõi những người gốc Việt tại địa phương làm những việc nổi bật — bởi vì mục đích việc làm của chú ấy là mở rộng và kết nối.
Trong lần tiếp xúc đầu tiên qua email, chú Kim nói với tôi rằng chú muốn mời tôi và bố mẹ tôi đến một buổi gây quỹ mà tờ báo của chú đang tổ chức.
Tôi cảm thấy rất e ngại, rất lo lắng vì chú là một người lớn tuổi, một nhà báo có trình độ, và tôi thì không tự tin về khả năng nói tiếng Việt của mình. Tôi cũng cho rằng việc đưa bố mẹ tôi đến buổi gây quỹ là điều không hay cho lắm.
Vì vậy, tôi đã nhã nhặn từ chối lời đề nghị của chú Kim.
Chú tỏ ra vô cùng thất vọng vì chúng tôi không đến. Tôi nhớ còn nhớ rõ rằng sự tiếc rẻ của chú Kim xoay quanh việc tôi sẽ không có dịp gặp gỡ con gái chú ấy, “Tiến sĩ Julie Phạm.”
Tôi đã cảm thấy tôi thật quá tệ – tôi lo rằng có lẽ tôi đã làm chú Kim thất vọng. Vì vậy tôi nói: “Cháu nghĩ có thể sẽ được gặp con gái của chú vào một dịp khác?”
Tôi còn nhớ chú đã trả lời email một cách rất độ lượng. Chú ấy đã hân hoan viết rằng: “Rất vui! Biên tập viên của Tuần báo Northwest Asian Weekly và Tiến sĩ Julie Phạm sẽ gặp nhau! Rất vui cho cộng đồng người Việt chúng ta!”
Niềm hạnh phúc và niềm tự hào của chú Kim dường như rất khác xa so với cảm giác bất an và lo lắng của tôi. Rằng là, tôi không biết chú đang mong đợi điều gì qua việc gặp gỡ của hai cô gái trưởng thành mà chú ấy sắp đặt. Tôi không cảm thấy mình là một người quan trọng hay đại diện cho cộng đồng người Việt. Tôi cảm thấy hơi e ngại vì chú Kim cứ gọi con gái mình là “TS Julie Phạm” bởi tôi chỉ có bằng cử nhân. Rằng là, tôi tự hỏi liệu chú có thực sự mong muốn việc đối mặt này diễn ra hay không. Tôi còn tự hỏi liệu tôi có đủ giỏi hay không.
Đó là trước khi tôi biết nhiều điều hơn về chú Kim, trước khi tôi biết về sự quan tâm và sự cảm thông của chú ấy. Chú không xem xét kỹ lưỡng và so sánh như vậy. Sự nhiệt tình của chú thật thuần khiết. Niềm tự hào vô cùng tươi sáng và đẹp đẽ của chú Kim đối với những người con của chú không phải do địa vị và học vị, mà vì chính con người của họ.
Vì vậy, Julie đã trở thành một trong những người bạn thân nhất của tôi. Và trong năm vừa qua, tôi đã có cơ hội rất tuyệt để làm một số công việc cho Người Việt Tây Bắc. Tôi thực sự phải suy nghĩ rất nhiều về việc liệu chú Kim sẽ thích mọi thứ được thiết kế ra sao, và chú ấy muốn mọi việc sẽ tiến hành như thế nào. Tôi đã cảm thấy rất hài lòng mỗi khi Julie cho tôi biết rằng bố cô ấy thích dùng Facebook và đang chỉnh sửa các tin tức trên trang web.
Từ vị trí thuận lợi của một người bạn, tôi cũng có thể thấy, chỉ một chút thôi, những thay đổi cuộc sống khác nhau xảy ra để phản ứng với những tin tức lớn.
Mỗi lần nói chuyện với Julie trong năm vừa qua, tôi đều hỏi cô ấy tình hình của bố cô ấy như thế nào. Và gần như mọi lần, để đáp lại, Julie đã nói với tôi rằng chú Kim đang rất tốt, rằng chú ấy có tinh thần khỏe khoắn, rằng chú ấy luôn học hỏi những điều mới, rằng chú ấy thức dậy sớm để đọc báo và thức khuya cũng để đọc báo. .
Năm 2016, Tuần báo Northwest Asian đã vinh danh chú Phạm Kim với giải thưởng Cộng tác viên hàng đầu. Julie hỏi tôi liệu tôi có thể là người viết tiểu sử cho Tuần báo Northwest Asian về bố cô ấy không.
Thành thật mà nói, tôi không thực sự muốn, nhưng tôi đã đồng ý.
Tôi không muốn vì tôi lo là tôi sẽ làm không được tốt – hoặc không đủ – vì chú Kim quan trọng và có ý nghĩa đối với cộng đồng người Việt. Tôi không muốn vì tôi biết mình sẽ phải thực hiện toàn bộ cuộc phỏng vấn với chú Kim bằng tiếng Việt và sau đó phiên dịch lại. Tôi thực sự lo lắng và căng thẳng về điều đó, lo lắng rằng tôi sẽ không thể hiểu chú Kim rõ ràng và sau đó tôi sẽ nói không chính xác về chú ấy.
Tôi gặp chú Kim tại văn phòng của chú, chúng tôi ngồi cạnh nhau trên những chiếc ghế trong một hành lang nhỏ. Ban đầu tôi gọi chú ấy là “bác Phạm” vì tôi nghĩ bác là cách dùng tôn kính phù hợp với một người như chú ấy trong mối quan hệ với tôi, nhưng chú đã hoàn toàn phớt lờ điều đó và tự xưng bằng một cách khiêm tốn hơn, “chú”. Việc đó khiến tôi rất lo lắng và hoang mang, nhưng tôi đã gọi theo, vì tôi là gì mà có thể quyết định xem chú ấy là ai đối với tôi? — Và tôi đã chuyển sang gọi bằng chú trong nửa cuộc trò chuyện sau của chúng tôi.
Tôi nắm chặt điện thoại trong tay vì đang ghi âm cuộc trò chuyện của chúng tôi. Chú Kim nói rất nhỏ nhẹ, và tôi phải cố gắng lắm mới nghe được chú ấy – bởi vì tôi đã quá kính nể và dè dặt trước chú nên không dám yêu cầu chú vui lòng nói to hơn một chút. Chú ấy có giọng nói giống giọng của mẹ tôi, nên có một sự quen thuộc và thân thiện – ít nhất là – trong giọng nói của chú ấy.
Tôi đã hỏi chú Kim về toàn bộ cuộc đời đáng ghi nhớ của chú. Tôi được biết chú sinh ra vào năm 1950, trong lúc đất nước đang có chiến tranh. Tôi được biết chú là con thứ, giữa các anh chị em, và chú có khuynh hướng nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ. Tôi được biết chú ấy là một họa sĩ, nhưng đã từ bỏ công việc đó để làm một việc khác thiết thực hơn. Tôi cũng được biết chú Kim có ý định vào trường luật, trước khi chú tham gia vào quân đội.
Chú kể cho tôi nghe về thời điểm chú và gia đình rời khỏi Việt Nam, bắt đầu cuộc sống ở một đất nước hoàn toàn mới, lần đầu tiên đi giao pizza và báo để kiếm tiền, khi chú bắt đầu học đại học. Chú cũng nói về “đứa con thứ tư” của chú rất nhiều — đó là tờ báo mà chú gầy dựng. Chú không muốn nói điều đó có ý nghĩa gì với chú – chú chỉ tập trung vào ý nghĩa của tờ báo đối với người khác. Có một điều đặc biệt mà chú nói với tôi khiến tôi sững người vào năm 2016, và nó khiến tôi đau đớn vào lúc này.
Chú ấy nói:
“Đôi khi có những điều chúng ta phải đối mặt mà không thể vượt qua được, dù chúng ta đã nỗ lực hết mình, chúng ta vẫn phải giải tán. Và chú không muốn trao gánh nặng cho thế hệ trẻ — vì vậy chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy nhiều hơn nữa. ”
Chú ấy cũng nói:
“Hai điều mà chú mong muốn là chúng ta có một tiếng nói mạnh mẽ, để mọi người biết rằng chúng ta đang ở đây, rằng chúng ta đang cống hiến cho đất nước này. Nơi này là quê hương của chúng ta. Mong muốn khác của chú là người Việt Nam phải mở rộng tầm nhìn cho chính họ. Cha mẹ cần dạy bảo cho con cái của họ biết tầm quan trọng của việc có tiếng nói và sự dấn thân — cuộc sống còn nhiều điều hơn là chỉ trở thành một bác sĩ hay kỹ sư, hoặc chỉ theo đuổi những công việc mang lại thành công về tài chính. Loại thành công tài chính đó có thể dẫn đến một cuộc sống riêng tư, khép kín … Chúng ta có những người có tài năng và sự kiên nhẫn bền bỉ để trở thành các nhà lãnh đạo cộng đồng và chính trị. Chúng ta cần khuyến khích họ bởi vì khi chúng ta khuyên bảo con người chỉ sống cho cuộc sống của riêng họ — đó là một mất mát và lãng phí. Chúng ta cần nhiều sự hợp tác hơn”.
Chú Phạm Kim đã thực sự đã hành động cao cả như vậy. Rất nhiều người trẻ trong chúng ta không biết đọc tiếng Việt, vì vậy mà chúng ta không nhận thấy rằng chú Kim là một nhà báo và người biên tập tuyệt vời như thế nào. Thật tiếc là không còn nhiều người trong chúng ta có thể đọc được những gì chú viết bằng ngôn ngữ cứng rắn nhất của chú. Chú ấy nghiêm chỉnh, chú ấy chi tiết, chú ấy chính xác – chú ấy quan tâm rất nhiều.
Chú không thêu dệt. Chú không bao giờ quên mình đang phục vụ ai – chú không bao giờ sử dụng tờ báo của mình như một cơ quan ngôn luận cho bản thân. Chú mạnh dạn cung cấp cho độc giả của mình những sự thật mà nhiều người chưa từng nghe qua, bởi vì chú tin chắc vào nguồn tin ấy – chú tin rằng người ta sẽ kết hợp các chi tiết lại với nhau và đưa ra kết luận đạo đức của chính họ.
Và chúng ta cần phải nhớ đến chú ấy. Chúng ta phải nhớ chú ấy là ai, chúng ta cần nhớ những gì chú ấy đã làm cho cộng đồng người Việt, và chúng ta cần nhớ những cánh cửa mà chú ấy đã giúp mở sẵn cho chúng ta.